“Nhờ làm tốt công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), phòng ngừa rủi ro, uy tín của Cổ phần xây dựng CDC ngày càng được khẳng định” – Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá.
Thực hiện Công văn số 5916/VPCP-KGVX ngày 20/8/2024 của Văn phòng Chính phủ về báo cáo, tham mưu chỉ đạo, xử lý các tai nạn lao động gần đây, ngày 30/10, đoàn công tác của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội do Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm Trưởng đoàn đã tới nắm bắt công tác ATVSLĐ và tình hình khắc phục hậu quả cơn bão Yagi tại Công ty Cổ phần xây dựng CDC (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội).
Tham gia đoàn có Lãnh đạo và một số chuyên viên Cục An toàn lao động, Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội; đại diện Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng).
Tiếp và làm việc với đoàn về phía Công ty Cổ phần xây dựng CDC có: ông Ngô Tấn Long, Chủ tịch HĐQT; ông Trần Văn Trường, Phó Chủ tịch HĐQT; bà Đặng Thanh Trang, Tổng Giám đốc cùng các thành viên Ban Tổng Giám đốc và lãnh đạo các phòng, ban Công ty.
Trước buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Văn Thanh và đoàn công tác đã đến hiện trường, nắm bắt tình hình thực hiện công tác đảm bảo ATVSLĐ tại dự án thi công xây dựng kết cấu và hoàn thiện kiến trúc phần thân khối cao tầng và liền kề thuộc Dự án Khu nhà ở hỗn hợp 107 Nguyễn Tuân Vihacomplex (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội).
“Chất lượng, an toàn và tiến độ”
Công ty Cổ phần xây dựng CDC là đơn vị nhà thầu thi công xây lắp, hoạt động theo theo mô hình Công ty cổ phần. Hiện Công ty đang thi công 12 dự án (01 dự án ở thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương; 01 dự án ở thành phố Đà Nẵng; 01 dự án ở thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc; 01 dự án ở thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình; 01 dự án ở thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh và 07 dự án ở thủ đô Hà Nội). Tổng doanh thu năm 2023 hơn 1.813 tỷ đồng, dự kiến năm 2024 đạt trên 2.426 tỷ đồng.
Tổng số lao động chính của Công ty là 226 người, trong đó có 171 lao động có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, 30 cán bộ an toàn chuyên trách. Trong năm 2024, đơn vị đã tổ chức huấn luyện về an toàn lao động cho 226 người lao động. Công ty hiện đang quản lý 27 thiết bị nghiêm ngặt theo Thông tư 36/2019/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Tính trong 10 tháng năm 2024, Công ty đã dành hơn 4,4/5,34 tỷ đồng để thực hiện các biện pháp kỹ thuật an toàn lao động và phòng, chống cháy nổ; biện pháp về kỹ thuật vệ sinh lao động, phòng chống yếu tố có hại và cải thiện điều kiện lao động; trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; chăm sóc sức khỏe người lao động; thông tin, tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện về ATVSLĐ.
Đến nay, Công ty đã xây dựng, tổ chức và triển khai lực lượng ứng cứu khẩn cấp, đảm bảo sẵn sàng ứng phó các tình huống khẩn cấp. CDC đã ban hành 27 nội quy, quy trình về an toàn lao động như xác định và tuân thủ yêu cầu pháp luật, chính sách an toàn sức khỏe nghề nghiệp, quy định cấp phát bảo hộ cá nhân và quy trình kiểm soát rủi ro, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn liên quan; xây dựng sổ tay biển báo và lắp đặt đầy đủ các biển cảnh báo tại công trình. Đồng thời, thường xuyên hiện kiểm tra định kỳ, theo dõi chặt chẽ tình hình an toàn lao động và thực hiện đánh giá, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm định kỳ tại công trình…
Tính từ năm 2023 đến thời điểm cuối tháng 10/2024, Công ty không xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng và không phát sinh tai nạn lao động.
Đối với cơn bão Yagi, tuy Công ty không có thiệt hại về người, song hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ và mất chi phí để xử lý sau bão là 325 triệu đồng, gồm: hạ cẩu tháp tại dự án BID Thái Bình để chống bão; thay mới các biển báo về ATVSLĐ và thay mới lưới chống bụi giàn giáo bao che mặt ngoài của các công trình phía Bắc sau bão; tổng kiểm tra, khắc phục và dọn dẹp khối công trình để phục hồi sản xuất.
Làm rõ thêm những kết quả trong công tác phòng ngừa tai nạn lao động và đảm bảo ATVSLĐ, Chủ tịch HĐQT Ngô Tấn Long cho biết: Nhiều năm qua, song song với hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty luôn thực hiện nghiêm túc các quy định về ATVSLĐ. Quan điểm xuyên suốt của CDC là cam kết “chất lượng, an toàn và tiến độ”, ATVSLĐ không làm hình thức mà phải bằng thực tế, hành động cụ thể. Đồng thời, thường xuyên cập nhật những thông tư, nghị định mới của pháp luật để phổ biến tới người lao động; chủ động phối hợp tổ chức tập huấn, huấn luyện ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ; kiểm soát và đánh giá kỹ các nguy cơ rủi ro trong quá trình thi công, vận hành máy thiết bị. Đến nay, ý thức và trách nhiệm của toàn thể cán bộ, người lao động toàn CDC về đảm bảo ATVSLĐ, phòng ngừa tai nạn lao động ngày càng được nâng cao và có nhiều chuyển biến rõ nét.
Lao động chăm chỉ và an toàn
Trao đổi với lãnh đạo CDC về công tác ATVSLĐ, các thành viên đoàn công tác đã tham gia góp ý kiến và đề xuất một số giải pháp về phòng ngừa tai nạn lao động, đảm bảo ATVSLĐ trong quá trình thi công công trình xây dựng, kiểm soát các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt.
Trong đó, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động lưu ý: Mặc dù chưa có xảy ra tai nạn lao động, nhưng CDC cần thường xuyên nhắc nhở người lao động không được chủ quan với quá trình thi công các công trình xây dựng; tăng cường các biển cảnh báo, poster rõ ràng để người lao động dễ nhìn thấy nhất; trang bị thêm hệ thống camera giám sát. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác huấn luyện ATVSLĐ, huấn luyện phải thực chất, hiệu quả và phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, nhà thầu phụ cam kết thực hiện nghiêm túc công tác ATVSLĐ…
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đã ghi nhận và đánh giá cao công tác đảm bảo ATVSLĐ, phòng ngừa tai nạn lao động trong nhiều năm qua tại Công ty Cổ phần xây dựng CDC. Nhờ làm tốt công tác này, uy tín của Công ty ngày càng được khẳng định.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết: Đối với lĩnh vực xây dựng, nguy cơ xảy ra tai nạn lao động cũng tương đối cao, bởi lẽ người lao động làm việc trong các tình huống rất nguy hiểm ở công trường. Chẳng hạn như gạch rớt, giàn giáo bị sập, rớt ở trên cao xuống, bị ngã vào hố, giẫm đinh và các vật dụng làm việc. Bên cạnh đó, các máy móc, các thiết bị có thể bị rò rỉ điện, nhiệt khiến người lao động gặp nguy hiểm chưa kể làm việc ở ngoài công trường con người luôn phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thời tiết nắng mưa thất thường dễ bị bệnh, say nắng, choáng váng ngã từ trên cao xuống cực kỳ nguy hiểm.
“Do đó, trong quá trình thi công, CDC cần thường xuyên rà soát lại các nguy cơ, rà soát kỹ, rà soát cả tổng quan và chi tiết, trong đó có các máy thiết bị yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn. Bộ phận làm công tác an toàn phải tập trung rà soát, kịp thời đề xuất lãnh đạo Công ty ban hành kế hoạch an toàn thật tốt và thực sự hiệu quả” – Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu.
Cùng với các biện pháp thi công hiện đại, tiếp cận công nghệ mới của thế giới, Thứ trưởng Lê Văn Thanh tin tưởng CDC sẽ chủ động nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người lao động đối với công tác đảm bảo ATVSLĐ trong thi công các công trình xây dựng, coi an toàn lao động là yếu tố hết sức quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tiếp tục tăng cường ý thức từ người quản lý cho tới người lao động, đặc biệt là ý thức của người lao động, không được lơ là. Đã đi làm là phải an toàn, an toàn cho bản thân mình trước, sau là cho Công ty để thực hiện tốt khẩu hiệu “lao động chăm chỉ và an toàn”.